TRƯỜNG TH HOÀNG VĂN THỤ – NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN

     Chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ chẳng thể nào quên được ngày 23 tháng 1 năm 2020, khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh mắc covid 19, đánh dấu bước ngoặc khởi đầu cho những khó khăn, mất mát của toàn dân tộc trong đại dịch. Chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ chẳng thể nào quên được những tháng ngày nhìn nhau qua khẩu trang y tế, kính chắn bọt; chẳng thể nào quên được nỗi đau đáu nhớ gia đình của những đứa con xa quê hương do cách li chưa thể trở về và sẽ chẳng thể nào quên được những chia li khi người thân rời xa mà không thể đến bên thắp một nén hương thơm tiễn biệt… Song, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tương thân, tương ái và sự dẫn dắt chỉ đạo tài tình của Đảng và Nhà nước, toàn dân ta lại một lần nữa ghi danh trên trường Quốc tế, chiến thắng đại dịch covid 19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đất nước. Góp một phần sức nhỏ bé của mình vào “trận chiến” chung của toàn dân tộc, Trường TH Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai cũng có NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ NÀO QUÊN!

     Tết Nguyên đán năm 2020 có lẽ là một cái Tết u ám nhất trong lịch sử của dân tộc, kể từ sau hoà bình lập lại. Hàng loạt những địa danh được gọi tên: Thành Phố Hồ Chí Minh; Hải Dương; Bắc Ninh…cùng với việc truy vết thần tốc các F0, f1, F2, F3…và hàng loạt những văn bản “Khẩn”, “Hoả tốc” được ban hành. Mọi hoạt động công việc, buôn bán, làm ăn bị ngưng chệ, tại những thời điểm, địa điểm quan trọng giao thông ngừng hoạt động, người dân thực hiện dãn cách xã hội và đương nhiên các em học sinh thân yêu của Trường TH Hoàng Văn Thụ nói riêng; học sinh, sinh viên của cả nước nói chung được nghỉ Tết nguyên đán kéo dài hơn thường lệ. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trường học phải đóng cửa, bao lo lắng chất chồng: Phải làm gì đây khi thời gian của năm học sắp kết thúc mà chương trình còn tồn đọng? Phải làm gì đây để tạo sự lạc quan, niềm tin cho những học sinh không được đến trường? Phải làm gì đây để thu hút những đứa trẻ vào các hoạt động tích cực, tránh xa các trò chơi điện tử độc hại? Trước tình hình ấy, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra trong suy nghĩ của Ban giám hiệu nhà trường, các cuộc họp qua Zoom khẩn cấp được thực hiện. Mỗi người hiến một kế sách, chẳng ai bảo ai nhưng tất cả đều xác định trong thời điểm hiện tại, nhà trường cần thực hiện nhiệm vụ kép: vừa dạy học, vừa chống dịch. Với phương châm “Ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, trong vòng hai ngày, Ban giám hiệu Trường TH Hoàng Văn Thụ đã chỉ đạo tập thể giáo viên rà soát, tự chủ chương trình, ưu tiên thời lượng cho các môn học, tiết học, nội dung học tập trọng tâm, phần còn lại lồng ghép để đảm bảo học sinh vẫn được giáo dục một cách toàn diện. Mặt khác, bộ phận tin học của nhà trường nhanh chóng tiếp cận các phần mềm dạy học trực tuyến tiên tiến nhất, ngay trong đêm tập huấn cho cán bộ giáo viên, thế là các phòng học trực tuyến Zoom; Trsan; Team; Googe Meet …được hình thành. Ban đầu, cán bộ giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ xong với nhiệm vụ quan trọng trước mắt, được sự động viên, khích lệ của Ban giám hiệu nhà trường, tất cả mọi người cùng học hỏi, người biết nhiều dạy người biết ít, các giáo viên cao tuổi bên cạnh việc nhờ đồng nghiệp còn nhờ con, nhờ chồng hỗ trợ, sau một tuần làm quen, việc dạy học trực tuyến đã đi vào quy củ.

Sau khi các giáo viên thuần thục về kĩ thuật dạy học trực tuyến lại phải đối diện trước khó khăn không thể huy động được 100% học sinh trong các lớp vào học vì học sinh thiếu máy tính, không có điện thoại thông minh, trong gia đình có từ 2 đến 3 anh chị em cùng học nên máy tính không đủ dùng. Trước tình hình ấy, hiệu trưởng Trường TH Hoàng Văn Thụ kêu gọi giáo viên tình nguyện rà soát từ gia đình, họ hàng, ai có máy tính, điện thoại thông minh cũ không dùng đến thì cho học sinh mượn. Cứ như vậy, gần 100 máy tính và điện thoại cũ được huy động, với những gia đình học sinh không biết cách cài đặt phần mềm, các giáo viên của nhà trường đã tình nguyện đeo kính chắn bọt, đến tận nhà cài đặt cho học sinh, cuối cùng 100% học sinh đã có đủ các điều kiện để tham gia học tập. Trong suốt mùa dịch, kéo dài từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 9 năm 2022, nhà trường có khoảng 47.520 tiết học trực tuyến thông qua các nền tảng Zoom, Trsan; Team; Googe Meet …
Có những thời điểm dịch bệnh bớt căng thẳng, Ban giám hiệu nhà trường lại nhanh chóng chỉ đạo “Tranh thủ thời gian vàng” là những ngày học sinh được đến trường để tập trung dạy các kiến thức cơ bản, kiến thức khó. Để làm được điều đó, các phương án dạy học ngay lập tức được xây dựng thành kịch bản, các quy định vệ sinh, khử trùng lớp học được tuân thủ nghiêm túc. Các cán bộ, giáo viên và nhân viên vừa thực hiện công tác chuyên môn vừa được tập huấn để thực hiện các công việc phòng chống dịch: Kĩ năng đo thân nhiệt; kĩ năng phát hiện bệnh kèm theo các biểu hiện ban đầu; kĩ năng giải tán lớp học khi phát hiện dịch bệnh; kĩ năng xử lí nhanh bệnh nhân khi phát hiện bệnh trên lớp học…Nhìn các thầy cô tay cầm phấn, tay cầm máy đo thân nhiệt hăng hái với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, trong hoàn cảnh ấy, phụ huynh đều cảm nhận được sâu sắc 4 chữ vàng: “Cô giáo – mẹ hiền” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trân quý trao tặng.

        Vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, giáo viên mắc bệnh covid 19 nghỉ quá nửa, nhà trường rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Trước tình hình ấy, Ban giám hiệu nhà trường đồng loạt ra quân, hiệu trưởng, hai phó hiệu trưởng mỗi cô đảm nhiệm 1 lớp, có những giáo viên có sức khoẻ tốt, tuy đang bị dịch bệnh nhưng vẫn xung phong giảng dạy trực tuyến lớp mình và hỗ trợ đồng nghiệp, điển hình là cô giáo Ngô Thị Quỳnh Nga gần một tuần mắc bệnh covid đảm nhiệm dạy trực tuyến 02 lớp; cô giáo Nguyễn Than Huyền do sức khoẻ không đảm bảo, cô được đón vào bệnh viện dã chiến xong vẫn tình nguyện đảm nhiệm công tác giảng dạy của lớp mình, nghe cô Huyền kể lại: Trong phòng bệnh dã chiến “căng như dây đàn”, ai cũng đều lo lắng cho bệnh tình của mình và tình hình mọi người ở gia đình nhưng cứ đến 8 giờ sáng, khi cô mở lớp học trực tuyến trên giường bệnh là các bác sĩ, bệnh nhân đều im phăng phắc, họ chỉ nói thì thầm vào tai nhau vì không muốn lớp học của cô bị gián đoạn giữa chừng. Rồi những hình ảnh một số các giáo viên tình nguyện đến tận nhà học sinh đang bị bệnh giao đề, coi học sinh làm bài kiểm tra cuối năm học trong không khí thân thiện, chan hoà. Có lẽ chưa bao giờ, gia đình và nhà trường lại gắn kết đến vậy!

       Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Trường TH Hoàng Văn Thụ còn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, gánh vác một phần trách nhiệm với cộng đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi “Không để ai lại phía sau”, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi (Hiệu trưởng nhà trường năm học 2020 – 2021), nhà giáo Nguyễn Thị Lan Anh (Hiệu trưởng nhà trường năm học 2021 – 2022 đến nay) đã phát động nhiều phong trào thiện nguyện: “Lá lành đùm lá rách”; “Khẩu trang cho em”; “Tất cả hướng về bệnh viện dã chiến, các chốt kiểm dịch” với tổng số tiền: 609.440.000đ; quần áo: 800bộ; giày dép: 250 đôi; lương thực, thực phẩm: trên 500 thùng mì tôm và các nhu yếu phẩm khác. Đặc biệt, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trái tim luôn hướng về miền Nam ruột thịt, trong mùa dịch, nhà trường đã trao tặng Trường TH An Phú 2, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương số tiền 20 000 000đ. Đặc biệt hơn, trước tình hình giá cả khẩu trang leo thang, học sinh vùng khó không có đủ khẩu trang đề đến trường. Ban chấp hành công đoàn trường và các công đoàn viên huy động mọi mối quan hệ, một mặt làm cầu nối, kêu gọi các nhà hảo tâm dành tặng khẩu trang, một mặt xin lại vải may khẩu trang và các nguyên liệu làm khẩu trang từ các nhà máy tư nhân, mượn máy khâu của cha mẹ học sinh, huy động nhân lực công đoàn viên và cha mẹ học sinh có tay nghề tranh thủ may khẩu trang vào các ngày nghỉ cuối tuần. Ngay tại phòng thư viện, xưởng may khẩu trang mini được thành lập và hoạt động hết công suất, qua ba đợt kêu gọi ủng hộ nhà trường đã dành tặng các học sinh vùng khó tại các nhà trường trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh, các chốt kiểm dịch trên 150.000 khẩu trang y tế.
Dưới sự lãnh chỉ đạo nhanh, sáng tạo và kịp thời của Ban giám hiệu nhà trường, sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của tập thể CBGV; sự đồng thuận của CMHS trong đại dịch, Trường TH Hoàng Văn Thụ đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ kép, tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và xứng đáng được nhận các danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao tặng: Cờ thi đua của Thủ tường chính phủ; Giải thưởng Môi trường của Bộ TN&MT; Bằng khen của bộ TN&MT; Bằng khen của CTUBND tỉnh lào Cai, Tập thể xuất sắc các năm học (Từ năm 2021 đến nay).

       Giờ đây, dịch bệnh đã rời xa, thầy và trò Trường TH Hoàng Văn Thụ tiếp tục giảng dạy, học tập để cùng nhau lập nên nhiều kì tích mới. Tôi ngồi viết lại bài dự thi này mà nước mắt vẫn không ngừng rơi, trên cả giải thưởng mà cuộc thi mang lại, tôi chỉ nghĩ đơn giản, chúng ta – lớp CBGV và học sinh đi trước có quyền tự hào về những tháng ngày mà chúng ta đã sống, tự hào về một chiến thắng hào hùng, đoàn kết của dân tộc ta trong thời bình và được quyền ghi chép lại, để sau này các thế hệ tiếp nối sẽ nhớ mãi về một Tiểu học Hoàng Văn Thụ với NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN./.
Người viết: Ngô Thị Quỳnh Nga – GVTH Hoàng Văn Thụ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *